Thị trường nông sản hữu cơ đang phát triển
Sản phẩm nông sản hữu cơ của tỉnh Tuyên Quang chủ yếu là: chè, cam, bưởi, lúa, rau, lạc, thực phẩm chế biến từ nguồn nguyên liệu hữu cơ... Nhìn chung, các sản phẩm hữu cơ của tỉnh được sản xuất theo quy trình hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hay chất bảo quản độc hại. Điều này tạo nên sự tin tưởng và yên tâm cho người tiêu dùng về chất lượng và an toàn của sản phẩm.
Cho đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 76 liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, có 191 sản phẩm OCOP của 134 chủ thể; 107 sản phẩm đã được bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ; có trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc, 4 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý… Những kết quả ấn tượng trên đây khẳng định các quyết sách đã và đang được triển khai từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đến nay đã tạo đà để nông nghiệp của tỉnh bứt phá mạnh mẽ và phát triển bền vững.
Cũng như các sản phẩm nông sản chủ lực, thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ ở Tuyên Quang chủ yếu là các cửa hàng, siêu thị, chợ địa phương. Ngoài ra, có một số doanh nghiệp, hợp tác xã cung cấp các sản phẩm hữu cơ cho các nhà hàng, khách sạn và các địa điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Người tiêu dùng đang dần nhận thức và quan tâm đến việc sử dụng sản phẩm hữu cơ vì lợi ích về sức khỏe và môi trường.
Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ ở Tuyên Quang vẫn còn hạn chế, chưa ổn định do thiếu thông tin và nhận thức của người tiêu dùng. Nhiều người, nhất là người tiêu dùng vẫn chưa hiểu rõ về lợi ích của sản phẩm hữu cơ và có xu hướng chọn sản phẩm giá rẻ hơn, dẫn đến còn có những khó khăn nhất định trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Nhằm tạo lập thị trường tiêu thụ nông sản nói chung, nhất là các sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm Ocop, hữu cơ, nhiều năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các sự kiện, hội chợ, hội nghị, hội thảo kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến thương mại và các nhà cung cấp sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đã có thêm cơ hội tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.
Một số giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường nông sản hữu cơ
Để tiếp thục thúc đẩy phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, trong đó có nông sản hữu cơ, tỉnh Tuyên Quang đã đề ra một số giải pháp chủ yếu như: Xây dựng và phát triển các hệ thống phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân đi đôi với nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ bằng cách đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định về sản xuất, chế biến và bảo quản.
Do thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ có tính đặc thù, nên thời gian tới thiết nghĩ tỉnh cần có thêm những giải pháp mang tính “căn cơ” hơn, như:
- Xây dựng và thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và tạo ra các chính sách hỗ trợ: Theo đó, cần rà soát các chính sách đã có, đánh giá tính hiệu quả, bổ sung chính sách mới phù hợp để các chính sách đó thực sự có tác dụng hỗ trợ và khuyến khích người dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, cần chú trọng việc đầu tư và hỗ trợ tài chính cho các hộ nông dân và doanh nghiệp sản xuất nông sản hữu cơ. xây dựng các chính sách khuyến khích và ưu đãi thuế để thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
- Xây dựng thương hiệu nông sản hữu cơ nhằm tạo ra các sản phẩm nông sản hữu cơ độc đáo và chất lượng cao, đồng thời xây dựng thương hiệu để tạo sự tin tưởng và lòng tin của người tiêu dùng. Phát triển các sản phẩm chế biến sâu từ nông sản hữu cơ như sản phẩm sấy khô, mứt, nước ép,... để gia tăng giá trị gia công và thu hút người tiêu dùng.
- Xây dựng hệ thống cung ứng nông sản hữu cơ nhằm tạo ra các cơ sở hạ tầng và hệ thống phân phối nông sản hữu cơ từ nông trại, HTX đến người tiêu dùng. Đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất và vận chuyển. Có một thực tế là sản phẩm nông sản hữu cơ của các nông hộ, trang trại còn khá khó khăn trong tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm, rất cần có sự hỗ trợ từ hệ thống cung ứng nông sản cũng như chính quyền để việc tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn.
- Tăng cường hoạt động quảng bá và tiếp thị để nâng cao nhận thức và sự quan tâm của người tiêu dùng đối với nông sản hữu cơ. Tăng cường truyền thông quảng bá sản phẩm, chủ động tham gia triển lãm và hội chợ để giới thiệu và bán hàng. Tăng cường hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác với các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và nhà nhập khẩu để mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản hữu cơ của tỉnh.
- Tăng cường tổ chức các khóa đào tạo và tư vấn cho nông dân về kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây trồng, chế biến sản phẩm hữu cơ. Đồng thời, chú trọng việc xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng, thiết lập các tiêu chuẩn và quy định về chất lượng nông sản hữu cơ, xây dựng hệ thống kiểm soát và giám sát để đảm bảo tuân thủ và đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Theo Việt Hải (Báo Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam)