Sáng 31/8 tại thành phố Hồ Chí Minh, Sở NN&PTNT TP.HCM và Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát triển Nông nghiệp Hữu cơ trên địa bàn thành phố”.
Đồng chủ trì Hội thảo có: Ông Dương Đức Trọng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. HCM; Nhà báo Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam; GS.TS Đào Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam.
Tham gia Hội thảo còn có: Viện Khoa học kỹ thuật miền Nam; Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 2; Trường ĐH Nông lâm TP.HCM; Phòng kinh tế TP. Thủ Đức, các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ; Các doanh nghiệp, HTX…
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT TP.HCM, thành phố có diện tích đất nông nghiệp gần 111.724 ha, chiếm hơn 50% tổng diện tích toàn Thành phố, trong đó đất sản xuất nông nghiệp khoảng 64.079 ha, đất lâm nghiệp 35.520 ha, đất nuôi trồng thuỷ sản 9.400 ha.
Với trên 18.000 hộ dân đang sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất bình quân năm 2022 đạt 570 triệu đồng/ha/năm. Thành phố Hồ Chí Minh xác định được 05 sản phẩm chủ lực gồm rau, hoa cây kiểng, bò sữa, heo và tôm; 01 sản phẩm tiềm năng là cá kiểng.
- Rau: diện tích gieo trồng ước đạt 21.500 ha; sản lượng đạt 607.788 tấn.
- Hoa, cây kiểng: diện tích hoa, cây kiểng ước đạt 2.325 ha. Trong đó, hoa lan 340 ha; hoa nền 645 ha; kiểng - bonsai 575 ha; mai 765 ha.
- Bò sữa: Tổng đàn bò sữa 40.908 con; trong đó cái vắt sữa 24.627 con. Sản lượng sữa bò tươi ước 180.113 tấn.
- Heo: Tổng đàn đạt 145.541 con. Sản lượng thịt heo hơi 36.451 tấn
- Tôm: Diện tích 5.286 ha, sản lượng đạt 9.511 tấn.
- Cá cảnh ước đạt 94 triệu con.
Nhằm triển khai Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch số 601/KH-UBND ngày 28 tháng 2 năm 2022 về triển khai thực hiện Quyết định số 885/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 trên địa bàn Thành phố. Trong đó, Thành phố tập trung thực hiện các nội dung sau:
Thành phố đặt mục tiêu nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn Thành phố, gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển đa dạng sinh học, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ.
Mục tiêu cụ thể:
- Đến năm 2025: Xác định được vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên một số đối tượng cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp với điều kiện của Thành phố. Diện tích sản xuất trồng trọt hữu cơ (rau, xoài) đạt khoảng 50-60ha, tổng đàn heo hữu cơ đạt 1.800 - 2.000 con, diện tích nuôi tôm hữu cơ đạt khoảng 10-15ha. Hình thành 2-3 chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
- Đến năm 2030, diện tích sản xuất trồng trọt hữu cơ (rau, xoài) đạt khoảng 60-80ha, tổng đàn heo hữu cơ đạt 2.000-2.500 con, diện tích nuôi tôm hữu cơ đạt khoảng 15-20 ha. Hình thành 4-5 chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Để thực hiện mục tiêu trên, Thành phố tập trung vào các giải pháp sau:
- Đào tạo, tập huấn, tuyên truyền về sản phẩm hữu cơ;
- Khảo sát, đánh giá điều kiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xác định các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ phù hợp với điều kiện của Thành phố;
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
- Triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ: thực hiện hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ được quy định tại Nghị định số 109/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, chính sách về khuyến nông.
Đồng thời, tham mưu, đề xuất chính sách đặc thù của Thành phố. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nội dung hỗ trợ khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong Chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố (Tờ trình số 4965/TTr-SKHĐT ngày 23 tháng 6 năm 2022 của Sở Kế hoạch và Đầu tư). Theo đó, ngân sách Thành phố sẽ hỗ trợ 60% lãi suất đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn Thành phố.
Để TP.HCM đạt được các mục tiêu đề ra, sau khi có sự thống nhất, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam sẽ là đơn vị tư vấn, định hướng cho Sở NN&PTNT thành phố mang tên Bác.
GS. TS Đào Thanh Vân, Phó Chủ tịch VOAA (đứng) trình bày tại Hội thảo
Trong phần nội dung trình bày của GS. TS Đào Thanh Vân, Phó Chủ tịch VOAA đã khái quát một số nội dung như sau: Tình hình phát triển Nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam hiện nay - Định hướng, giải pháp Phát triển Nông nghiệp hữu cơ tại TP. Hồ Chí Minh - Cơ chế, chính sách phát triển NNHC hiện nay và chính sách đặc thù cho phát triển NNHC của TP.HCM - Liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm NNHC - Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức về NNHC - Tổ chức truyền thông, giới thiệu chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về NNHC, về các mô hình NNHC trên toàn quốc.
Phần tiếp theo của chương trình là chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm NNHC của các doanh nghiệp, các nhân cũng như các viện, phân viện,nhà trường, hội.
Đồng thời Hội thảo cũng là dịp để các đại biểu thảo luận chung về cơ chế, chính sách, các định hướng, giải pháp, các khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện sản xuất NNHC…
Theo Hà Dũng (Báo Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam)