Sản xuất chè hữu cơ là phục hồi cho đất
Từ năm 2019 đến nay, dưới sự hỗ trợ và phối hợp giữa Đại học Deakin (Úc), Liên minh Đa dạng sinh học và Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (Alliance Biodiversity & CIAT), Trung tâm Hợp tác quốc tế về Nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển (CIRAD - Cộng hòa Pháp), Mạng lưới Công nghệ sing học vi sinh vật (CMBP) và Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) - Nhóm cộng sự gồm nghiên cứu sinh Lê Viết San (Đại học Deakin) và các chuyên gia từ các đơn vị nêu trên đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá và chỉ ra những hạn chế, tác động tiêu cực và lâu dài của canh tác chè truyền thống phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu hóa học đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ...
Trong đó bao gồm suy thoái về vai trò, đặc tính (hóa, lý tính và sinh học) của đất, đặc biệt là chua hóa (acid hóa) đất trồng chè nhanh chóng, từ đó gây suy giảm sự đang dạng cũng như chức năng của các hệ sinh vật trên đất, giảm năng suất và chất lượng cây chè, gây ra nhiều nguy cơ về ô nhiễm đối với môi trường và sức khỏe con người.
Từ kết quả nghiên cứu, nhóm chuyên gia đã khuyến cáo một số phương pháp canh tác chè bền vững, hiệu quả có thể được áp dụng để thay thế dần canh tác truyền thống, đó là canh tác hữu cơ, sử dụng một số biện pháp như bón vôi, các chế phẩm sinh học để hạn chế đất trồng chè bị chua hoá, từng bước hồi phục "sức khỏe" đất trồng chè, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản xuất chè tại Việt Nam.
Một số mô hình tiêu biểu như: So sánh mô hình canh tác hữu cơ và các mô hình canh tác thông thường tại Tân Cương (Thái Nguyên), nhóm nghiên cứu đã chỉ ra các hộ dân/HTX áp dụng mô hình canh tác hữu cơ có thể có thu thập cao hơn từ 180 - 200 triệu đồng/ha so với nông hộ áp dụng các biện pháp canh tác truyền thống.
Điều này chủ yếu đến từ giá bán của các sản phẩm hữu cơ cao hơn so với sản phẩm thông thường. Đồng thời, nông dân, các HTX áp dụng các biện pháp canh tác an toàn, bền vững này cũng có nhiều điều kiện hơn để tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, các chương trình hỗ trợ về vật tư, kỹ thuật từ các cơ quan trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, các biện pháp canh tác chè hữu cơ giúp duy trì và cải thiện rõ rệt các đặc tính, chức năng của đất, các chỉ tiêu về chất lượng búp chè cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường như tồn dư thuốc BVTV, kim loại nặng trong đất, trong nước và các sản phẩm chè, từ đó bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Để giải quyết vấn đề chua hóa đất trồng chè, việc sử dụng vôi bột với lượng bón thích hợp sẽ góp phần nhanh chóng cải thiện độ pH đất, qua đó cải thiện độ phì nhiêu của đất. Ví dụ khi độ pH của đất ở mức 4 - 4,5, bón vôi bột với lượng 1,5 tấn/ha có thể giúp tăng độ pH đất (giảm độ chua) khoảng 0,4 - 0,5 đơn vị, qua đó cải thiện môi trường cho sinh vật đất phát triển, giảm nguy cơ nhiễm độc các loại kim loại nặng như nhôm, mangan, tăng cường khả năng cân bằng dinh dưỡng của đất…
Những kết quả nghiên cứu này đã được xuất bản ở các tạp chí và hội nghị khoa học quốc tế uy tín như: Environmetal Chemistry Letters, Soil Use and Management, Environmental Sustainability, International Phytobiomes Conference (USA 2022), 13th International Conference on Agrophysics (Poland, 2021), và ở các tạp chí trong nước.
Ngoài ra, việc áp dụng sản xuất theo hướng sinh thái, hữu cơ thân thiện với môi trường còn tạo ra cơ hội để phát triển hoạt động trải nghiệm, du lịch cộng đồng, từ đó góp phần quảng bá mô hình canh tác này, cũng như gia tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất chè.
Những giải pháp sản xuất chè hữu cơ
Theo GS.TS Đào Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Nông nghiệp hữu cơ – Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên: “Chè là thức uống hàng ngày của người Việt, do vậy yêu cầu về sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng lại càng cần thiết, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra ngày càng khốc liệt kể cả về tần suất và mức độ. Các giải pháp chính trong phát triển sản xuất chè hữu cơ trong hoàn cảnh hiện nay là:
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức chung của toàn xã hội về vai trò của sản xuất và sử dụng sản phẩm chè hữu cơ, từ đó thay đổi hành vi, có thói quen áp dụng sản xuất hữu cơ, sử dụng sản phẩm hữu cơ; thực hiện từng bước vững chắc, xây dựng mô hình điểm và nhân rộng.
Các địa phương có điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất và chế biến chè hữu cơ cần lựa chọn và xác định đối tượng (giống chè) và vùng sản xuất chè hữu cơ (nên lựa chọn các giống chè Shan, chọn các vùng ít bị tác động bởi quá trình canh tác thâm canh, dễ cách ly - Chè vùng cao)… để tổ chức thực hiện các mô hình sản xuất chè hữu cơ, lồng ghép sản xuất chè hữu cơ với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
GS.TS Đào Thanh Vân (phải), Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Nông nghiệp hữu cơ – Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.
Bản thân các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ gia đình, nông dân cần tư duy, đầu tư xây dựng và thực hiện các dự án, mô hình sản xuất và chế biến chè hữu cơ theo chuỗi giá trị phù hợp quy hoạch và đặc thù địa phương, trong đó doanh nghiệp phải trở thành nòng cốt dẫn dắt, đa dạng hóa nhiều sản phẩm chè hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao; chú trọng thực hiện theo tiêu chuẩn trong sản xuất, chế biến sản phẩm chè hữu cơ, đảm bảo chất lượng; chủ động trong xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè hữu cơ.
Nhà nước có chính sách và đầu tư có trọng tâm khoa học và công nghệ trong sản xuất và chế biến chè hữu cơ như: đào tạo nguồn nhân lực, các đề tài, dự án, chương trình khoa học có tính ứng dụng cao như công nghệ sinh học trong sản xuất chè hữu cơ, nghiên cứu quy trình canh tác, chế biến phù hợp; nghiên cứu các vật tư đầu vào phục vụ cho canh tác và chế biến chè hữu cơ: phân bón sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Nghiên cứu chọn tạo giống chè mới có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu với dịch hại tốt, phù hợp với quy trình canh tác hữu cơ và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ”.
Cũng theo GS.TS Đào Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Nông nghiệp hữu cơ – Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên khặng định những giải pháp trên có thể góp phần giúp cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thông qua tranh thủ tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ ứng dụng vào thực tiễn sản xuất có truy suất nguồn gốc, xác định mã số vùng trồng, vùng chế biến…
Từ đó nhằm cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm, hội nhập quốc tế, từ đó nâng cao thu nhập cho người sản xuất, duy trì và cải thiện sức khỏe của cộng đồng thông qua sử dụng các sản phẩm hữu cơ.
Theo Quốc Tùng (Báo Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam)