Các giá trị tích cực của thực phẩm Plant-based không chỉ đem lại một chế độ ăn cân bằng hàng ngày và vẫn giữ trọn vị ngon từ thiên nhiên, mà còn giảm thiểu đa số các tác động của đạm động vật không tốt đến sức khoẻ con người.
Thực tế, thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật giải quyết được các vấn đề về dung nạp và dị ứng cho người tiêu dùng khi chứa phần lớn các protein có giá trị sinh học cao, cấu trúc phân tử chia nhỏ, dễ dàng hấp thụ vào cơ thể.
Giá trị tuần hoàn của sản phẩm Plant-based (các sản phẩm từ thực vật) không chỉ được thể hiện qua giá trị dinh dưỡng thuần tự nhiên, sản phẩm hữu cơ mà còn đặt ra tiêu chuẩn cho nền nông nghiệp tái sinh dựa trên chiến lược kinh tế xanh, tạo tác động tích cực đến môi trường.
Các giải pháp và sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường từ các loại cây trồng, đạm thực vật thay thế ứng dụng trong thực phẩm và nước uống, từ nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ. Các giải pháp này đều được phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao và tập trung vào tính bền vững để thúc đẩy chuỗi kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.
Trong thời gian tới, xu hướng đạm thay thế và các sản phẩm từ thực vật được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh tại thị trường Việt Nam, đặc biệt mang lại nhiều cơ hội hợp tác trong công nghệ chế biến thực phẩm.
Cộng đồng doanh nghiệp cần nhanh chóng khẳng định vị thế trong cuộc chơi toàn cầu tại lĩnh vực này để nâng tầm thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt. Góp phần thúc đẩy toàn diện chuỗi giá trị cây trồng mang nguồn dinh dưỡng tự nhiên để đồng hành cùng sự mạnh khoẻ của môi trường và cộng đồng.
Một chế độ ăn cân đối giữa đạm động vật và đạm thực vật sẽ hạn chế việc sinh ra các yếu tố bất lợi cho sức khỏe và nâng cao vai trò của chất đạm. Cộng đồng cũng đã cân nhắc nhiều hơn về chế độ ăn uống phù hợp bên cạnh ăn ngon trong chọn lựa ăn uống hàng ngày.
Tuy vậy, không phải người tiêu dùng nào cũng có thể thay đổi được đa dạng thực đơn để đảm bảo chế độ ăn cân bằng với lượng đạm thực vật chiếm từ 50%-70%. Mở ra tiềm năng của xu hướng Plant-based về định hướng dinh dưỡng và sản xuất thực phẩm bền vững, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có rất nhiều triển vọng phát triển trong lĩnh vực chế biến ngành thực phẩm mới này.
Theo Quốc Tùng (Báo Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam)