Banner
Home TIN TỨC & SỰ KIỆN

Thực phẩm hữu cơ giúp con người tránh xa bệnh tật

09/09/2023 10:00 - Xem: 529
Thực phẩm hữu cơ không chỉ phù hợp với thị hiếu, xu hướng tiêu thụ hiện đại, đây còn là một trong những biện pháp giúp con người tránh xa bệnh tật.

Thực phẩm bẩn - "sát thủ dấu mặt"

Thực phẩm bẩn được tạm hiểu là những thực phẩm không đảm bảo về dư lượng hóa chất, kháng sinh. Nói cách khác theo y học, thực phẩm bẩn không đơn thuần chỉ hiểu là bẩn về mặt hình thức mà chính xác là nguồn gây bệnh với lượng hóa chất, kháng sinh đủ để gây hại cho cơ thể.

Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa 2 Tạ Phương Dung - Phó Chủ tịch Hội Thận học TP.HCM cho biết, khi hóa chất còn sót lại sẽ bị hệ thống tiêu hóa phát hiện, báo hiệu cơ thể “đánh chặn” bằng các phản ứng nôn ói, đau quặn bụng. Phản ứng này dễ gặp ở các bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng. Thế nhưng, thực phẩm bẩn được ví như những “sát thủ giấu mặt” với những dư lượng hóa chất chưa đủ nhiều, dễ dàng lọt qua hệ thống phòng thủ này.

“Tuy chúng không bị phát hiện bởi các cơ quan về tiêu hóa nhưng về lâu dài, những hóa chất này lại tích tụ ở những cơ quan như gan, thận. Và khi dư lượng hóa chất tích tụ quá nhiều, nội tạng không thể thải độc thì đó cũng chính là lúc các bệnh nguy hiểm bắt đầu tàn phá cơ thể một cách ồ ạt”, bác sĩ Tạ Phương Dung phân tích.

Theo báo cáo từ GLOBOCAN 2020 (Tổ chức Ung thư toàn cầu) và Chương trình Phòng chống ung thư Quốc gia, Việt Nam ghi nhận hơn 182.000 ca mắc mới, số ca tử vong trên 122.000 trường hợp.

Thực phẩm bẩn và nạn ô nhiễm môi trường, không khí, nước sạch là nguyên nhân hàng đầu gây các bệnh ung thư và làm thoái hóa giống nòi, gây vô sinh ngày càng nhiều.

TS.BS Phan Thị Hồng Đức - Trưởng khoa Nội 4 - Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, kiêm Phó trưởng Bộ môn Ung thư (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cho biết, thực phẩm bẩn được xác định là một trong những nguyên nhân gây ung thư hàng đầu. Kiểm soát và tránh xa thực phẩm bẩn được các hiệp hội về ung thư thế giới và Việt Nam liên tục khuyến cáo.

“Cái hại nhất của thực phẩm bẩn là không biểu hiện luôn khi vào cơ thể mà nó nhiễm từ từ, đến khi phát bệnh thì bệnh nhân đã ở giai đoạn nặng. Ung thư là ví dụ rất điển hình, nhiều bệnh nhân đến với chúng tôi khi đã ở giai đoạn cuối. Tuy nhiên, tôi nghĩ vấn đề này có thể khắc phục được nếu kiểm soát tốt được thực phẩm ngay từ khâu sản xuất, phân phối đến tiêu thụ. Ung thư không phải phát hiện sớm để trị lành nữa, mà phải ngăn chặn từ xa”, TS Đức bày tỏ.

Đồng quan điểm, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung bướu (Bệnh viện TP Thủ Đức) cũng bày tỏ cần chủ động phòng hơn là lao theo việc “còn nước còn tát” trên bệnh nhân.

“Chúng ta ra sức kêu gọi giảm thiệu ô nhiễm môi trường, nói không với thuốc lá, hạn chế đồ nướng, tiêm ngừa… mà đang quên đi việc "bệnh từ miệng mà ra". Nếu chúng ta kiên quyết cũng nói không với thực phẩm bẩn thì tôi nghĩ ngành y tế cũng bớt gánh nặng trong việc dự phòng và điều trị bệnh”, bác sĩ Vũ chia sẻ.

Người Việt đứng trên kho báu dược liệu

Thực phẩm không đơn thuần chỉ là thức ăn. Dưới góc độ của y học cổ truyền, từ bao đời nay, đó còn là thuốc quý trong mâm cơm hàng ngày.

Trong công trình đồ sộ “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS.TS Đỗ Tất Lợi cho thấy, đa số các thuốc quý của người Việt đều là rau, củ, quả hay thậm chí là cỏ dại trong vườn. Hay các dược liệu được đề cập đến trong sách “Hải thượng y tông tâm lĩnh”, “Nam dược thần hiệu” của các "ông tổ" ngành y học cổ truyền Việt Nam đều liên quan đến nông sản Việt Nam. Chẳng thế, người Nhật từng ví von: Người Việt đang đứng trên kho báu về dược liệu.

PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Thị Bay, Chủ tịch Liên chi Hội Đông - Tây y kết hợp TP.HCM cho hay, người Việt vẫn đang kết hợp nhuần nhuyễn việc sử dụng những dược liệu trong mâm cơm hàng ngày. Theo đó, ăn uống là một “ẩm thực liệu pháp” với tính cân bằng âm dương trong thực phẩm, rất tốt cho sức khỏe con người.

“Chẳng hạn như rau răm hoặc gừng có tính nóng thường được ăn kết hợp với trứng lộn có tính hàn giúp dễ tiêu hóa, dậy mùi vị. Cũng gia vị gừng có tác dụng thanh hàn, nấu kèm với cá, rau cải là thực phẩm có tính hàn giúp người ăn giải cảm… Nếu để ý, nhìn đâu đâu trong rau củ, gia vị cũng là những vị thuốc quý mà từ bao đời người Việt luôn có sẵn trong nhà”, TS Bay chia sẻ.

Ở góc độ khác, trong công tác lâm sàng, thực phẩm được coi là "công thần" trợ sức cho bệnh nhân tăng đề kháng và sớm lành bệnh.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam đánh giá, dinh dưỡng đóng vai trò then chốt trong việc sớm đưa người bệnh trở về cuộc sống bình thường.

Ngoài một số bệnh nhân đang giai đoạn phục hồi cần được cung cấp thức ăn qua đường tĩnh mạch, sữa cao năng lượng thì hầu hết lượng dinh dưỡng đến từ các khẩu phần ăn thông thường như với người khỏe mạnh.

“Đó là cháo, các phần cơm với các món ăn như chúng ta hay ăn hàng ngày, trái cây, rau củ… Không phải lúc nào bệnh nhân cũng được chỉ định dùng thuốc, đó chỉ là thời điểm mà bác sĩ chỉ định giúp cơ thể "chiến đấu" với các tác nhân còn lại. Đặc biệt, đối với các bệnh nhân có chỉ định mổ, dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng vì bệnh nhân ngoại khoa phải đủ sức vượt qua được cuộc phẫu thuật do mất máu, dịch thể, stress...”, bác sĩ Diệp cho hay..

Một lợi thế từ các thực phẩm hữu cơ được các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá là vượt trội hơn so với những thực phẩm khác, có giá trị dinh dưỡng cao, vị ngon hơn.

Thực tế ở những người ăn chay, lượng dinh dưỡng thông qua rau củ hàng ngày cũng cung cấp đủ cho cơ thể, không nhất thiết phải bổ sung thêm từ thịt động vật, gia cầm hay thủy hải sản. Thực tế, đây là biện pháp để người sử dụng không bị “lợi bất cập hại”.

“Khi cây trồng, vật nuôi không chú trọng vào việc sử dụng các chất kích thích tăng trưởng, có vòng sinh trưởng đủ dài và các yếu tố sinh trưởng khác thuận tự nhiên thì nó cũng đủ chất dinh dưỡng hơn, vị thơm ngon và đặc biệt là an tâm hơn khi sử dụng. Nhu cầu hiện nay của đa số chúng ta là tập trung vào chất lượng hơn là số lượng so với những năm trước kia, nghĩa là phải ngon và mang lại lợi ích cho sức khỏe”, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp chia sẻ thêm.

Thực phẩm cũng đang đóng góp vai trò là “kiến trúc sư” xây dựng hàng rào miễn dịch, do đó chúng ta cần bổ sung các thực phẩm tăng sức đề kháng trong bữa ăn hằng ngày. Đề kháng còn giúp cơ thể tự tiêu diệt những tác nhân gây bệnh thông thường mà không cần sử dụng đến thuốc.

Tuy nhiên, theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Huân - Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM), để đạt được hiệu quả ấy, thực phẩm phải đảm bảo tiêu chí an toàn, không dư lượng hóa chất… Đó là các tiêu chí mà sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang hướng đến và phục vụ người tiêu dùng.

Theo bác sĩ Huân, trong bữa ăn hàng ngày nên bổ sung những loại thực phẩm giàu vitamin C có trong rau quả như: Trái cây họ cam, quýt; đu đủ; táo; tỏi; ớt chuông đỏ; gừng; trà xanh; khoai lang… Thường, theo khuyến cáo chung, người trưởng thành từ 19 tuổi trở lên sẽ không nên tiêu thụ quá 2.000mg vitamin C/ngày.

“Nếu trong bữa ăn hàng ngày mọi người thường xuyên có những loại rau giàu vitamin C kể trên thì không nhất thiết phải bổ sung thêm từ thuốc, thực phẩm chức năng. Với lượng vitamin C này đã đủ giúp cơ thể chống chọi lại các bệnh thông thường, tạo hàng rào miễn dịch”, bác sĩ Huân phân tích.

“Tôi khá bất ngờ và lấy làm tự hào khi đi sang Châu Âu hay Hoa Kỳ đều thấy những gói bột rau, gia vị "made in VietNam" bày bán tại siêu thị, nhà hàng. Điều đó chứng tỏ về sự đón nhận của những dược liệu - nông sản Việt đối với những người nước ngoài hoặc Việt kiều. Nếu chúng ta đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì tôi nghĩ nông sản Việt nói chung còn đi tới nhiều quốc gia hơn nữa”, PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Thị Bay kỳ vọng.

Theo Báo Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Lo go
Slogan
https://nongnghiephuucovn.vn/
Lo go
Hội chè Thái Nguyên