Banner
Home TIN TỨC & SỰ KIỆN

Ngày Hữu cơ châu Á – Ngày Hữu cơ Việt Nam: Phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ tiên tiến

25/09/2023 15:00 - Xem: 517
Trong bài phát biểu của TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam tại Lễ khai mạc Ngày Hữu cơ châu Á – Hữu cơ Việt Nam 19/9/2023, ông thể hiện quyết tâm thực hiện mục tiêu chung của Đảng, Nhà nước về phát triển Nông nghiệp Hữu cơ tại Việt Nam.

TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch VOAA phát biểu tại Lễ khai mạc Ngày Hữu cơ châu Á - Ngày Hữu cơ Việt Nam 19/9/2023 tại TP. Hồ Chí Minh

Sáng 19/9/2023 tại Nhà văn hoá Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh, số 4 Phạm Ngọc Thạch, phường Bến Nghé, Quận 1, được sự ủng hộ của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam (VOAA) phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức “Ngày Hữu cơ Việt Nam” lần thứ 4, 19/9/2023.

Trong bài phát biểu tại Lễ khai mạc của TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch VOAA cho biết, tại hội nghị cấp cao các nước phát triển Nông nghiệp Hữu cơ châu Á lần thứ 2 ngày 30/9/2016 tại thành phố Goesan (Hàn Quốc) gồm 14 đoàn đại biểu các nước Hữu cơ châu Á đã quyết định chọn ngày 19/9 hàng năm là “Ngày Hữu cơ châu Á”, theo đó các nước là thành viên của Hiệp hội Hữu cơ châu Á, đều tổ chức ngày Hữu cơ tại các quốc gia thành viên.

Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam đã tổ chức “Ngày Hữu cơ châu Á – Ngày Hữu cơ Việt Nam” lần đầu tiên tại Thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) ngày 19/9/2017 với sự tham dự của Thứ trưởng Trần Thanh Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên; bà Jenifer, Phó Chủ tịch – Giám đốc điều hành IFOAM-Asia và hơn 350 đại biểu của các tỉnh, thành phía Bắc.

Để hội nhập với các nước phát triển hữu cơ châu Á và quốc tế, tại Lễ hội Hữu cơ đầu tiên năm 2017, các đại biểu đã đồng tình và thống nhất chọn ngày Hữu cơ châu Á là “Ngày Hữu cơ Việt Nam”; và thực tế chúng ta đã tổ chức thường xuyên hàng năm, chỉ trừ 2 năm do đại dịch Covid-19.

Hưởng ứng thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đến nay chúng ta đã có mô hình sản xuất hữu cơ ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ năm 2021 là 119.105 ha (0,5% so với diện tích đất nông nghiệp); Việt Nam đứng thứ 7 trong các nước châu Á về diện tích đất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) và thứ 3 trong các nước ASEAN.

Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam là mái nhà chung của tất cả các cá nhân; đơn vị, địa phương, đang thực hành và sẽ thực hiện các chương trình dự án về phát triển nông nghiệp hữu cơ. Hiệp hội sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ và kết nối giữa các đơn vị doanh nghiệp và địa phương; kể cả hợp tác, kết nối với các tổ chức Quốc tế về nông nghiệp hữu cơ (IFOAM, IFOAM-Asia v.v.).

Đồng thời, Hiệp hội cũng kêu gọi sự hưởng ứng của các nhà khoa học, các doanh nghiệp, hợp tác xã, công nhân, nông dân trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phố phía Nam nhiệt tình tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp hữu cơ, đó là trách nhiệm và mang lại giá trị cao cho đất nước phát triển xanh, hiện đại và bền vững.

Nhân ngày 19/9 hàng năm là “Ngày Hữu cơ Việt Nam”,  TSKH. Hà Phúc Mịch thay mặt cho các cá nhân, đơn vị có tâm huyết trong chuỗi giá trị hữu cơ của cả nước đồng tình ủng hộ với thực hiện thành công mục tiêu chung của Đảng, Nhà nước đến năm 2030, “Việt Nam là nước có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng trong khu vực và thế giới”.

Thay mặt cho Sở NN&PTNT TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Đinh Minh Hiệp cho biết, canh tác nông nghiệp hữu cơ đang là hướng đi được nhiều nông dân lựa chọn trong vài năm qua. Mô hình canh tác này mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và người sản xuất:  Giúp duy trì và bảo toàn độ phì nhiêu của đất, phát triển nông nghiệp bền vững; Ít gây ô nhiễm nguồn nước. Nhờ đó đảm bảo nước ngầm/sông/hồ luôn an toàn với người, cây trồng và vật nuôi; Bảo vệ đời sống của các loại động vật hoang dã. Điều này giúp duy trì tính đa dạng sinh học cao;  Ít dùng các loại năng lượng đầu vào không có khả năng phục hồi từ bên ngoài; Không dư lượng thuốc trừ sâu và phân bón độc hại. Không sử dụng các loại hoocmon tăng trưởng và chất kháng sinh độc hại; Chất lượng sản phẩm tốt, hương vị thơm ngon và tốt cho sức khỏe người dùng; Canh tác hữu cơ góp phần cải tạo và bảo vệ môi trường, phát triển nền nông nghiệp bền vững. Là xu thế phát triển tất yếu của hiện tại và tương lai, là hướng đi đúng đắn cần được nhân rộng.

 

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Hồ Chí Minh phát biểu

Nhằm triển khai Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch số 601/KH-UBND ngày 28 tháng 2 năm 2022 về triển khai thực hiện Quyết định số 885/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 trên địa bàn Thành phố. Thành phố đặt mục tiêu nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn Thành phố, gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển đa dạng sinh học, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ.

Để thực hiện hiệu quả kế hoạch nêu trên, Thành phố tập trung vào 05 giải pháp trọng tâm sau:

- Đào tạo, tập huấn, tuyên truyền về sản phẩm hữu cơ;

- Khảo sát, đánh giá điều kiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xác định các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ phù hợp với điều kiện của Thành phố;

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ;

- Triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ...

- Đồng thời, tham mưu, đề xuất chính sách đặc thù của Thành phố.

Với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước cũng như là nơi tiêu thụ nông sản lớn nói chung, trong thời gian tới, TP.HCM sẽ vận động các doanh nghiệp tập trung tăng diện tích sản xuất NNHC, đồng thời tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất NNHC; đẩy mạnh quản lý về chất lượng nông sản trên thị trường.

Với mong muốn các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực NNHC tại TP.HCM, với hi vọng sản xuất hữu cơ ngày một lớn mạnh và vững chắc không chỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn lan rộng trên phạm vi cả nước. Để đạt được kỳ vọng trên, sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ từ Bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương, các Hiệp hội và các tổ chức quốc tế trong sản xuất NNHC là nguồn động lực quan trọng đối với TP.HCM.

 

Ngày hội là nơi để các cá nhân, tập thể được kết nối, chia sẻ

Bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam chia sẻ về cách phân biệt và nhận diện sản phẩm Hữu cơ

 

Các gian hàng tại Ngày hội Hữu cơ châu Á - Ngày Hữu cơ Việt Nam

Theo Hà Dũng (Báo Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Lo go
Slogan
https://nongnghiephuucovn.vn/
Lo go
Hội chè Thái Nguyên