Banner
Home TIN TỨC & SỰ KIỆN

Phát huy vai trò của Hội Nông nghiệp hữu cơ trong phát triển sản xuất NNHC trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

10/10/2023 12:00 - Xem: 590
Sản xuất, tiêu thụ nông sản hữu cơ đang là một trào lưu mới, một xu hướng tiến bộ và tất yếu của thế giới, bởi vì sản xuất nông nghiệp hữu cơ đảm bảo các lợi ích căn cốt như: Tạo ra dòng sản phẩm rất bổ ích, giầu dinh dường, an toàn, góp phần quan trọng vào bảo vệ môi trường, bảo vệ các tài nguyên trong suốt quá trình canh tác nông nghiệp; đồng thời phương thức canh tác hữu cơ cũng đảm bảo đa dạng sinh học, không chỉ có tác dụng cho người tiêu dùng mà còn có tác dụng to lớn cho người sản xuất, cho sự phát triển hiện tại và tương lai.

Ông Hà Lê Bình, chủ tịch Hội NNHC Tuyên Quang truyền đạt kiến thức NNHC tại một lớp tập huấn của tỉnh

Trong khoảng 10 năm gần đây, tổng diện tích canh tác hữu cơ trên thế giới chiếm khoảng 71 triệu ha, tương đương 1,5% tổng diện tích canh tác. Một số quốc gia như Mỹ, Australia và Châu Âu (EU) có tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất nhanh. Theo Tổ chức Nông nghiệp hữu cơ thế giới (IFOAM), đến nay trên thế giới có 186 quốc gia phát triển dòng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một hướng mới cho nông nghiệp Việt nam nói chung và tỉnh Tuyên Ọuang nói riêng, phù hợp với xu thế hiện tại của thế giới. Nhận thức được vai trò quan trọng của sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tỉnh Tuyên Quang đã sớm có những chủ trương, định hướng đúng đắn về phát triển nông nghiệp hữu cơ. Hội nông nghiệp hữu cơ tỉnh được ra đời từ những chủ trương, định hướng đó.

Hội nông nghiệp hữu cơ tỉnh Tuyên Quang được UBND tỉnh quyết định thành lập từ cuối năm 2017 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4 năm 2018 (sau Đại hội lần thứ nhất)

Hội nông nghiệp hữu cơ tỉnh Tuyên Quang là một tổ chức xã hội nghề nghiệp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Hội nông nghiệp hữu cơ tỉnh xác định việc tuyên truyền, vận động nông dân tham gia mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ là mục tiêu, là nhiệm vụ trọng tâm cua Hội.

Để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, trước hết phải từ tư duy nhận thức của các cấp các ngành, của người sản xuất và người tiêu dùng. Lợi ích của nông nghiệp hữu cơ là đem lại sức khoẻ, môi trường trong sạch cho người sản xuất, người tiêu dùng và cộng đồng. Để mọi người hiểu biết về nông nghiệp hữu cơ cần phải tích cực tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức nông nghiệp hữu cơ. Từ hiểu biết đến hành động là hướng đi, là giải pháp để mở rộng và phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Trong những năm qua, được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT và sự tuyên truyền vận động của Hội nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp hữu cơ tỉnh đã có bước khởi đầu khá ấn tượng. Hiện nay tổng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đạt 114,4 ha (Lúa 6,2 ha, chè 27.5 ha, cam 18.3 ha, bưởi 10,2 ha và 52,3 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ chuyển đổi, trong đó bưởi 35,7 ha, cam 16, 6 ha).

Từ trái sang phải: Tổng biên tập Tạp chí Hữu cơ Việt Nam Nông Hải Việt; TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội NNHC Việt Nam; Hà Lê Bình, Chủ tịch Hội NNHC tỉnh Tuyên Quang; Ngô Đức Tú, Tổng giám đốc Cty CP Chè Sông Lô thăm dự án bưởi hữu cơ tại thôn Hòa Mục, xã Thái Long, TP. Tuyên Quang.

Tuy nhiên sản xuất nông nghiệp hữu cơ Tuyên Quang cũng đang gặp phải một số khó khăn như: Sản xuất hữu cơ mới được triển khai thực hiện, còn mang tính chất nhỏ lẻ, quy mô hàng hóa còn ít, chưa đa dạng; mô hình sản xuất hữu cơ hiệu quả chưa nhiều (mới tập trung ở một số sản phẩm như cam, bưởi, chè) để tuyên truyền, nhân rộng; còn ít người biết đến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của địa phương.

Quy trình nông nghiệp hữu cơ yêu cầu khá khắt khe, khó thực hiện, đặc biệt là thiếu nguồn vật tư đầu vào (phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học...) để mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Số doanh nghiệp, HTX, các nhà đầu tư tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ còn ít, hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn (do quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn nhỏ).

Hội nông nghiệp hữu cơ tỉnh mới thành lập, kinh nghiệm hoạt động chưa nhiều, kinh phí hoạt động đến năm 2023 mới được tỉnh hỗ trợ, do đó có khó khăn trong việc tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kiến thức và tuyên truyền, vận động nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Thời gian qua, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Sở Nông nghiệp &PTNT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Liên Hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh, Hội nông nghiệp hữu cơ tỉnh đã tổ chức được 17 lớp tập huấn kiến thức nông nghiệp hữu cơ, tiêu chuẩn PGS, tiêu chuẩn hữu cơ Việt nam (tiêu chuẩn 11041), tuyên truyền cơ chế chính sách của tỉnh về phát triển nông nghiệp hữu cơ cho gần 500 hội viên và nông dân; đã thành lập được 9 nhóm sản xuất nông nghiệp hữu cơ có 48 hộ tham gia với tổng diện tích 70,6 ha (chứng nhận hữu cơ 18,3 ha, chứng nhận sản xuất hữu cơ chuyển đổi 52,3 ha).

Trong thời gian tới để góp phần phát triển, mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở tỉnh, với vai trò của mình, Hội nông nghiệp hữu cơ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ cho hội viên và nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ như: Hỗ trợ tìm kiếm các yếu tố đầu vào cho sản xuất và thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; làm cho người dân thấy được lợi ích của sản xuất nông nghiệp hữu cơ vừa tăng được thu nhập vừa bảo vệ được môi trường, bảo vệ được sức khoẻ của người sản xuất và tiêu dùng, là hướng đến một nền nông nghiệp bền vững, vì tương lai của nòi giống và sự trường tồn của dân tộc Việt Nam chúng ta.

Theo Báo Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Lo go
Slogan
https://nongnghiephuucovn.vn/
Lo go
Hội chè Thái Nguyên